Nhà ngoại giao tài ba Trần_Nhật_Duật

Ngày 24 tháng 2 âm lịch năm 1258, sau khi chiến thắng quân xâm lược Mông Cổ, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Hoảng, tức Trần Thánh Tông, rồi lên làm thái thượng hoàng. Tháng 8 âm lịch năm 1267, Trần Nhật Duật được Thánh Tông phong làm Chiêu Văn vương.[2]

Trần Nhật Duật nổi tiếng là người hiểu nhiều biết rộng, rất tôn sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển Đạo gia.[3] Ông còn thông thạo nhiều ngoại ngữ và hiểu biết sâu rộng về các nước láng giềng. Học tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành, Nhật Duật chẳng những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ ấy mà còn am hiểu nhiều mặt của các nước đó, kể cả phong tục tập quán của họ. Ông cũng rất hay giao du, thăm hỏi người Chiêm, người Tống trong nước. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ông hay cưỡi voi đi thăm thôn Bà Già (trước có tên là thôn Đa Gia Ly, nơi định cư của tù binh Chiêm sau khi Lý Thánh Tông chinh phục Chiêm Thành năm 1069), có những lần ông ở chơi tới 3, 4 ngày mới về. Ông cũng thường ghé thăm chùa Tường Phủ, lưu lại đây cả ngày để đàm đạo với tăng sĩ người Tống. Do ông giao tiếp rộng như vậy, những người ngoại quốc đến Thăng Long rất hay đến chơi nhà ông. Ông rất biết cách đón tiếp khách theo đúng phong tục, tập quán của họ. Thời Trần Anh Tông, khi đã làm tể tướng, Nhật Duật vẫn thường ghé thăm nhà người Tống là Trần Đạo Chiêu, trò chuyện say sưa suốt hàng tiếng đồng hồ. Ngoài ra, ông cũng là người tinh thông âm nhạc, đã chế tác ra nhiều tiết tấu, giai điệu múa hát.[3][4]

Ngoài 20 tuổi, Trần Nhật Duật đã được triều đình giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan. Khi tiếp xúc với các sứ thần nhà Nguyên, ông vui vẻ, tự nhiên trò chuyện mà không cần có người dịch thuật, khiến sứ Nguyên khẳng định Nhật Duật là người Hán ở Chân Định (đất Triệu cũ của nhà Tống, gần Bắc Kinh) sang làm quan bên Đại Việt. Nhật Duật phủ nhận nhưng người Nguyên vẫn không tin.[5]

Tháng 10 âm lịch năm 1277, thượng hoàng Trần Thái Tông (cha của Trần Nhật Duật) qua đời. Ngày 22 tháng 10 âm lịch năm 1279, vua Trần Thánh Tông truyền ngôi cho con là thái tử Khâm, tức Trần Nhân Tông, rồi trở thành thái thượng hoàng.[6] Theo sử cũ, dưới triều Trần Nhân Tông, có lần nước Sách Mã Tích (có thể là Tumasik, tức Singapore ngày nay) sang triều cống, triều đình lại không được người nào biết tiếng để phiên dịch. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã đứng ra phiên dịch giúp vua. Khi được hỏi làm sao ông hiểu tiếng Sách Mã Tích, Nhật Duật đáp: "Thời Thái Tông, sứ nước ấy sang nhân có giao du với họ nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ". Tài ngoại ngữ của ông đã khiến Trần Nhân Tông phải tấm tắc ca ngợi:[5][7]

Chú Chiêu Văn có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc, nên giỏi tiếng các nước đó.
— Trần Nhân Tông

Năm 1280, chúa đạo Đà Giang (là vùng Mộc Châu tỉnh Sơn LaĐà Bắc tỉnh Hòa Bình ngày nay[8]) là Trịnh Giác Mật nổi lên cự lại triều đình. Cùng lúc đó nhà Nguyên đang sửa soạn đại binh đánh Đại Việt. Với nhu cầu cấp bách phải dẹp ngay mối bất hòa trong nước, vua Trần Nhân Tông phái Trần Nhật Duật trông coi đạo Đà Giang, chiêu dụ Trịnh Giác Mật đầu hàng.[9] Hay tin, Giác Mật định ám hại ông nên sai người tới doanh trại của ông, đưa thư cho ông: "Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mật xin ra hàng ngay". Các tướng can ngăn sợ Giác Mật tráo trở, ông chỉ nói nếu có như vậy triều đình sẽ cử một vương khác tới làm tướng, rồi ông một mình một ngựa đến trại Giác Mật, chỉ cho từ 5 đến 6 tiểu đồng theo hầu. Lúc Nhật Duật tới nơi, quân Giác Mật liền dàn thành hai ba lớp vòng vây, ai nấy đều mang gươm giáo. Ông vẫn ung dung tiến thẳng vào trại, nói chuyện với người bộ tộc bằng chính phong tục và ngôn ngữ của họ. Ông còn uống rượu bằng mũi và ăn bốc tay không với Trịnh Giác Mật. Người bộ tộc thấy vậy tỏ ra quý mến. Sau khi Nhật Duật về quân doanh, Giác Mật dẫn cả nhà đến xin quy phục.[10][11]

Việc Trần Nhật Duật "không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang" khiến nhà Trần yên ổn được biên giới Tây Bắc để tập trung chống quân Mông Nguyên. Hoàn thành nhiệm vụ, Nhật Duật đưa Giác Mật và gia quyến vào Thăng Long, bái kiến nhà vua. Triều đình rất tán dương công lao của ông. Sau này, vua Nhân Tông tha Giác Mật về Đà Giang, giữ vợ con Mật ở lại kinh sư. Những người này được Trần Nhật Duật chăm nuôi chu đáo; ông còn xin vua phong cho họ tướng thượng phẩm và cử họ trông coi ao cá. Về sau triều đình cũng cho họ về nhà.[10][9]